KHU THỰC NGHIỆM ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ
Sau gần 2 năm triển khai, khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) do Sở KH-CN làm chủ đầu tư đang hoàn thiện những khâu cuối cùng. Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động thực nghiệm ứng dụng các công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương và là nơi đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp, người dân.
Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN (phường Chi Lăng, TP. Pleiku) là hợp phần của dự án Đầu tư phát triển giống cây trồng-vật nuôi và Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN với tổng kinh phí 40 tỷ đồng do Sở KH-CN làm chủ đầu tư. Khi hoàn thành, đây sẽ là nơi tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, triển khai thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng khoa học với các công nghệ tiên tiến, cung cấp cho thị trường các loại giống cây trồng chất lượng, các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của tỉnh.
 
Ngoài mục đích sản xuất thử nghiệm, trình diễn những thành tựu mới về KH-CN và trực tiếp huấn luyện kỹ năng thực hành các kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao cho các tổ chức và người dân trên địa bàn tỉnh, Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN còn có nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu triển khai các hoạt động liên kết về nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất.
 

Các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao sẽ được thực hiện trong Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN.Ảnh: Ngọc Thu
 
Ông Lê Minh Hải-Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN) cho biết: Hiện nay, Trung tâm đã triển khai xây dựng kế hoạch tiếp nhận và chuẩn bị các phương án về nguồn nhân lực, hoạt động sản xuất, kinh doanh để khai thác hiệu quả các phương tiện, cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về KH-CN. Cùng với đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất.
 
Trong đó, tập trung vào việc tuyển chọn, phục tráng, nhân giống các loại cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ sinh học để tạo ra giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; làm chủ công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật, giâm hom trong nhân giống một số cây trồng có giá trị như cây dược liệu, các loại phong lan, địa lan, các loại rau, hoa và cây cảnh, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng nhân sinh khối, sản xuất các chế phẩm sinh học, các hoạt chất sinh học có giá trị phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và bảo vệ môi trường; nghiên cứu, ứng dụng sản xuất các loại giống nấm ăn, nấm dược liệu.
 
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã triển khai phương án hợp tác với các tổ chức KH-CN, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp để tổ chức thực hiện hoạt động chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, điều, lúa, rau, hoa… và một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: lan kim tuyến, thạch hộc tía, sâm; nhân giống và sản xuất rau, hoa quả, cây cảnh theo công nghệ mới; chuyển giao các công nghệ khác theo nhu cầu của địa phương. Mặt khác, Trung tâm đã hình thành bộ phận hoạt động trong lĩnh vực thực nghiệm và chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh.
 

Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đi vào hoạt động vào cuối năm 2020.Ảnh: Ngọc Thu
 
Theo bà Dương Thị Thùy Vân-Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng (Trường Đại học Tôn Đức Thắng): “Hiện nay, xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Vì vậy, khi hoàn thành, Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN là cơ sở giúp chúng tôi triển khai các hoạt động chuyển giao công nghệ. Nơi đây sẽ là môi trường thử nghiệm những cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Gia Lai để nông dân có thể ứng dụng vào sản xuất. Hiện nay, chúng tôi đã hợp tác chuyển giao triển khai mô hình trồng sâm non và chuỗi dài sản phẩm nông sản khác nhau cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN (Sở KH-CN Gia Lai), đặc biệt là các loại dược liệu có giá trị cao như: đông trùng hạ thảo, nấm, sâm non… Trung tâm chuyển giao lại cho doanh nghiệp, nông dân, nhà đầu tư trên địa bàn và tạo ra mối liên kết, phối hợp giữa 3 nhà là nhà nghiên cứu-Nhà nước-nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp tiếp nhận mô hình công nghệ cao từ các nhà nghiên cứu. Đây là một môi trường tốt để kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng KH-CN vào sản xuất. Từ đó, giúp ngành sản xuất nông nghiệp tiếp cận tiến bộ khoa học và kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn”.
 
“Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN có nhiệm vụ hình thành các mô hình sản xuất để thực nghiệm ứng dụng các công nghệ phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là nơi tham quan học hỏi, đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ sản xuất cho người dân. Nơi đây được kỳ vọng là mô hình điểm trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao các tiến bộ KH-CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới”-ông Lê Minh Hải cho biết thêm.
 
Tin liên quan
Tin mới nhất

Tin tức