Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đẩy mạnh tư vấn và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất
Tăng cường hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Trung tâm) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai tập trung thực hiện. Thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ tư vấn và ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo đặc thù của địa phương, phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.

Trong năm 2023, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đang thực hiện 05 nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cụ thể:

Tại huyện Ia Grai, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai đang triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Laivới kinh phí thực hiện hơn 570 triệu đồng, trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học công nghệ cấp huyện là 325 triệu. Dự án tập trung thực hiện 03 nội dung gồm: Hỗ trợ hướng dẫn tư vấn kỹ thuật và ứng dụng quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng cho người dân tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai; Xây dựng mô hình trồng dưa lưới (Cucumis melo L.) trên giá thể trong nhà màng tại thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai với quy mô 1.000 m2dựa trên kết quả của mô hình triển khai trong dự án, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm sẽ chuẩn bị hồ sơ đăng ký chứng nhận VietGAP (theo TCVN11892-1:2017) cho sản phẩm dưa lưới của mô hình. Kết quả thực hiện của dự án này sẽ giúp người dân trên địa bàn tiếp cận với kỹ thuật trồng cây trong nhà màng có sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, an toàn, thân thiện với môi trường.

Tại huyện Kbang, Trung tâm đang phối hợp cùng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện đề xuất triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chanh dây  đạt tiêu chuẩn VietGAP và đảm bảo xuất khẩu, trên địa bàn huyện Kbang” với kinh phí thực hiện 01 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước cấp huyện là 288 triệu, thời gian thực hiện dự án là 18 tháng (từ tháng 06/2023 đến tháng 12/2024). Dự án triển khai với 03 nội dung gồm: Tiếp nhận quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc chanh dây;  Xây dựng mô hình trồng chanh dây đạt tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo xuất khẩu, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện Kbang với quy mô 02 ha; Đánh giá chứng nhận VietGAP sản phẩm chanh dây của mô hình sản xuất chanh dây. Kết quả thực hiện dự án sẽ giúp người dân tiếp cận quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, làm thay đổi thói quen, tập quán sản xuất hiện nay, đem tới một nguồn sản phẩm an toàn vệ sinh đúng nghĩa, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm bớt các chi phí y tế cũng như đảm bảo xã hội phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tại huyện Kbang hiện nay Trung tâm cũng đang thực hiện hỗ trợ xây dựng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận Mắc Ca Kbang – Gia Lai thông qua nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Kbang – Gia Lai” với kinh phí triển khai là 385 triệu đồng (từ nguồn ngân sách khoa học và công nghệ), thực hiện trong năm 2023. Trên địa bàn Kbang hiện có gần 260 ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước tính gần 500 tấn hạt. Với giá tiêu thụ hạt tươi khoảng 80.000 đồng/kg, giá hạt Mắc Ca sau khi chế biến dao động từ 220.000 - 260.000 đồng/kg, cây Mắc Ca mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân địa phương. Để đẩy mạnh hoạt động thương mại hạt Mắc Ca cũng như tăng giá trị cho sản phẩm, việc xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu Mắc Ca là thật sự cần thiết. Sau khi nhãn hiệu chứng nhận được xác lập quyền sở hữu sẽ góp phần nâng cao uy tín và khả năng tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động tại địa phương và tăng lợi ích kinh tế cao cho nhà sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra còn giúp bảo tồn và nâng cao danh tiếng, sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường cho sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần vào việc xây dựng hệ thống sản phẩm phục vụ cho việc phát triển kinh tế huyện Kbang.

Tại huyện Đức Cơ, Trung tâm đang thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Heo Broong Đức Cơ – Gia Laivới kinh phí triển khai là 388 triệu đồng (từ nguồn ngân sách khoa học và công nghệ), thực hiện trong năm 2023. Đây là  bước khởi đầu quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc góp phần duy trì, phát triển danh tiếng cho sản phẩm “Heo Broong Đức Cơ - Gia Lai”, góp phần vào việc nâng cao giá trị và quảng bá hình ảnh của sản phẩm heo Broong trên cả nước và xa hơn là thị trường quốc tế; thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Được biết, hiện nay toàn huyện Đức Cơ có khoảng 800 hộ nuôi với quy mô khoảng 3.000 con heo. Heo Broong thuộc giống Lợn Sóc là giống lợn thuần được nuôi hầu hết ở 9 xã và 01 thị  trấn của huyện Đức Cơ và phổ biến trong các khu vực các làng của người đồng bào dân tộc thiểu số.

Tại huyện Chư Păh, Trung tâm đang thực hiện tư vấn, xây dựng nhiệm vụ “Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận  “Chư Păh – Gia Lai” cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch chủ lực huyện Chư Păh” với kinh phí thực hiện 385 triệu, dự kiến triển khai trong năm 2023. Nhiêm vụ hoàn thành sẽ giúp địa phương xác định được các sản phẩm và dịch vụ du lịch hiện có và tiềm năng của huyện và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Chư Păh – Gia Lai” cho các sản phẩm và dịch vụ gắn liền với du lịch như:  Tấm hoa văn trang trí, tượng trang trí,  đồ đội đầu, quần áo, khăn choàng,, cà vạt, khố, Sầu riêng, bơ, chuối, măng đã qua sơ chế, mật ong, rau củ quả tươi, dịch vụ du lịch, du lịch canh nông. Qua đó xây dựng các công cụ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho từng nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời xây dựng phương án khai thác quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao uy tín, danh tiếng cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch mang nhãn hiệu chứng nhận “Chư Păh – Gia Lai”.

Trong thời gian đến, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương và người dân triển khai các nội dung của nhiệm vụ khoa học và công nghệ để hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Qua đó, giúp người nông dân tiếp cận được công nghệ cao, hiện đại tăng khả năng tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật mới vào sản xuất; tạo cơ sở cho việc xây dựng mô hình sản xuất với  năng suất cao, ổn định chất lượng.  Đồng thời, phát huy thế mạnh khai thác tiềm năng về vị trí địa lý, khí hậu để tăng giá trị sản phẩm và đa dạng thêm các mặt hàng nông sản cho thị trường của tỉnh Gia Lai.

KS. Lâm Thị Dung Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai

Tin mới nhất

Tin tức