Sở hữu trí tuệ - yếu tố then chốt trong công cuộc phát triển bền vững của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai

Phát triển gắn kết bền vững, sáng tạo, bao trùm là nội dung, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển của các tổ chức khoa học và công nghệ. Trong thời đại, bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ và kỳ diệu của công nghệ đang làm thay đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực như: kinh tế, đời sống xã hội và khoa học, các tổ chức khoa học và công nghệ cần có một cách tiếp cận mới tổng quan, sáng tỏ, thấu đáo và rành mạch về những xu thế lớn đang diễn ra để xây dựng nên chiến lược phát triển của đơn vị. Hiện nay, để đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Gia Lai xác định yếu tố cốt lõi trong việc hoạch định chính sách cũng như trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược là công tác Sở hữu trí tuệ.

Từ khóa: Sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ, tổ chức khoa học.

1. Đặt vấn đề

Sở hữu trí tuệ là thuật ngữ mô tả những ý tưởng, sáng chế, công nghệ, tác phẩm nghệ thuật, âm nhạc và văn học, những cái vô hình khi mới được tạo ra nhưng trở nên đáng giá dưới dạng sản phẩm hữu hình. Sở hữu trí tuệ không phải là bản thân sản phẩm mà là ý tưởng đặc biệt đằng sau sản phẩm, là cách thức thể hiện ý tưởng đó và là cách thức riêng mà sản phẩm được gọi tên và mô tả. Từ tài sản được sử dụng để mô tả giá trị nói trên, bởi vì thuật ngữ này chỉ áp dụng đối với sáng chế, tác phẩm và tên gọi mà một người hoặc một nhóm người yêu cầu quyền sở hữu. Quyền sở hữu là quan trọng, bởi vì kinh nghiệm đã chỉ ra rằng lợi ích kinh tế tiềm năng tạo ra một sự khuyến khích mạnh mẽ để đổi mới [2].

Các hình thức thông thường nhất của Sở hữu trí tuệ:

- Bằng độc quyền sáng chế: Một bằng độc quyền sáng chế là một độc quyền được cấp cho một sáng chế (một sản phẩm hoặc một quy trình đưa ra một cách thức mới để làm một việc gì đó, hoặc cung cấp một giải pháp kỹ thuật mới đối với một vấn đề).

- Nhãn hiệu hàng hóa: Là một tên gọi có tính phân biệt, một biểu tượng hoặc dấu hiệu nhận dạng được nguồn gốc của sản phẩm hoặc dịch vụ. Nhãn hiệu hàng hóa giúp người tiêu dùng phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ từ một nguồn với các sản phẩm hoặc dịch vụ do một nguồn khác tạo ra. Một nhãn hiệu mang lại cho chủ sở hữu của nó sự bảo hộ thông qua việc ngăn ngừa sự nhầm lẫn về nguồn gốc trong quá trình phân phối sản phẩm, dịch vụ hoặc thông qua việc cấp chuyển quyền sử dụng một đối tượng sở hữu công nghiệp cho người khác sử dụng.

Bất cứ khi nào một sản phẩm mới vào thị trường và thu hút khách hàng thành công, không sớm thì muộn sẽ bị đối thủ cạnh tranh sản xuất các sản phẩm giống hoặc tương tự. Đây là lý do quan trọng duy nhất để doanh nghiệp và các tổ chức KH&CN phải cân nhắc khi sử dụng hệ thống Sở hữu trí tuệ để bảo vệ sản phẩm sáng tạo và sáng chế của mình nhằm mang lại cho họ các độc quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thương hiệu, tác phẩm văn học nghệ thuật và các tài sản vô hình khác. Bảo hộ theo pháp luật Sở hữu trí tuệ mang lại quyền sở hữu đối với các sản phẩm sáng tạo hoặc đổi mới. Do đó, hạn chế phạm vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh một cách đáng kể.

Hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự phát triển trong bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu và các đối tượng khác của sở hữu công nghiệp cũng như các tác phẩm có quyền tác giả. Đồng thời chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển ban đầu của quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Sự ủng hộ liên tục đối với hệ thống Sở hữu trí tuệ và sự phát triển của hệ thống đó trong suốt thế kỷ vừa qua xác nhận một thực tế là nhiều quốc gia thừa nhận vai trò của Sở hữu trí tuệ trong thúc đẩy, kích thích đổi mới và thành tựu về công nghệ, nghệ thuật. Quyền sở hữu đối với sáng chế và tác phẩm sáng tạo có tác dụng kích thích sáng tạo ra các đối tượng đó và thông qua sự sáng tạo như vậy cũng kích thích sự tăng trưởng kinh tế. Quá trình từ vấn đề - tri thức - trí tưởng tượng - đổi mới - Sở hữu trí tuệ - giải pháp, dưới dạng sản phẩm cải tiến và công nghệ mới, luôn là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế.

Khoản 11, Điều 3, Luật Khoa học  Công nghệ năm 2013 quy định tổ chức KH&CN là tổ chức có chức năng chủ yếu là nghiên cứu khoa học, nghiên cứu triển khai và phát triển công nghệ, hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ, được thành lập và đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật [1]. Theo đó, kết quả nghiên cứu KH&CN được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về Sở hữu trí tuệ, hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; chương trình máy tính đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Một trong những điều kiện để tổ chức được cấp Giấy chứng nhận tổ chức KH&CN là khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả KH&CN được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận. Trong nhiều trường hợp, văn bản xác nhận, công nhận kết quả KH&CN đó chính là văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ. Như vậy, có thể thấy rằng việc hình thành và hoạt động của tổ chức KH&CN gắn kết khá chặt chẽ với một loại tài sản đặc biệt và ngày càng có vai trò quan trọng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh - đó là quyền Sở hữu trí tuệ [6]. Do đó, cơ chế, chính sách về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ có tác động không nhỏ đến việc phát triển các tổ chức này bởi chính sách bảo hộ hợp lý sẽ khuyến khích tổ chức tạo ra và ứng dụng, thương mại hóa nhiều tài sản trí tuệ có giá trị vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngược lại.

2. Nội dung

2.1. Sở hữu trí tuệ là yếu tốt then chốt trong hoạt động của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai

2.1.1. Khái quát về Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai [5]

Cùng với sự nỗ lực xây dựng, phát triển của ngành KH&CN tỉnh Gia Lai, vào đầu năm 1986, Trung tâm Khoa học, kỹ thuật dịch vụ được thành lập với cơ cấu tổ chức chỉ có 02 người. Qua quá trình phát triển, đến cuối năm 2017, để thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Gia Lai (gọi tắt là Trung tâm) đã xây dựng Phương án tài chính thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập giai đoạn 2019-2021 và đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-UBND vào ngày 20/5/2019. Theo đó, Trung tâm là tổ chức KH&CN công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và không tự đảm bảo chi đầu tư (tại Điểm b, Khoản 2, Điều 3 Nghị định 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ) có chức năng phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN tại địa phương; đầu mối đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển các hoạt động dịch vụ KH&CN; giới thiệu kết quả nghiên cứu, công nghệ mới có tiềm năng.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị đã được đầu tư Trung tâm tập trung hoạt động trên các lĩnh vực:

 - Hoạt động nghiên cứu, triển khai và chuyển giao KH&CN.

- Hoạt động dịch vụ - tư vấn KH&CN

- Hoạt động sản xuất kinh doanh.

2.1.2. Đánh giá hoạt động Sở hữu trí tuệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai

* Thực trạng hoạt động Sở hữu trí tuệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ

Với chức năng thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, triển khai, chuyển giao công nghệ, dịch vụ KH&CN, trong thời gian qua, Trung tâm đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và ứng dụng tiến bộ KH&CN trên nhiều lĩnh vực để phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng, của cả nước nói chung. Theo nhận xét, đánh giá của đơn vị, các nhiệm vụ KH&CN do Trung tâm thực hiện đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, từng bước nâng cao giá trị đóng góp của KH&CN vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các kết quả nghiên cứu đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao trình độ công nghệ, tạo sự chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; gia tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Song song với hoạt động nghiên cứu, trong xu thế hội nhập như hiện nay, trước những thách thức trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu, làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, khi đã chuyển sang hoạt động cơ chế hoạt động mới (tự đảm bảo chi thường xuyên) Trung tâm đã có cái nhìn khách quan, tổng quát hơn về giá trị thực của các loại tài sản mà Trung tâm hiện đang sở hữu để có thể xây dựng được kế hoạch phát triển mang tính đột phá. Tài sản của Trung tâm được chia thành hai loại: Tài sản hữu hình (gồm nhà xưởng, máy mọc, tài chính, và cơ sở hạ tầng) và tài sản vô hình (gồm từ nguồn nhân lực và bí quyết kỹ thuật đến ý tưởng, chiến lược, kế hoạch kinh doanh, thương hiệu, kiểu dáng và các kết quả vô hình khác được tạo ra bởi các tài năng sáng tạo và đổi mới của Trung tâm. Theo truyền thống, tài sản hữu hình là tài sản có giá trị chính, được coi là có tính quyết định trong việc xác định khả năng cạnh tranh của Trung tâm trên thị trường. Thế nhưng trong những năm gần đây, điều này đã thay đổi cơ bản. Trung tâm nhận ra rằng các tài sản vô hình đang trở nên có giá trị hơn so với tài sản hữu hình. Chính điều đó đã thúc đẩy đơn vị nỗ lực hoàn thiện cơ chế, chính sách triển khai hoạt động ứng dụng, đổi mới và chuyển giao công nghệ của Trung tâm trong đó tập trung vào công tác bảo vệ và khai thác sản phẩm trí tuệ. Trung tâm đã xúc tiến cho việc đăng ký sáng chế đối với 02 quy trình mà hiện Trung tâm đang làm chủ bao gồm: Quy trình nhân giống và sản xuất nấm Linh chi (Ganoderma lucidum); quy trình nhân giống và sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris). Đây được xem là chìa khóa trong giai đoạn mới để giúp Trung tâm thực hiện hiệu quả việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh. 

Để đẩy mạnh hoạt động Sở hữu trí tuệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Gia Lai đã lập ra quy trình quản lý tài sản của đơn vị với các nội dung cụ thể như sau:

Lập kế hoạch quản lý tài sản trí tuệ: Việc lập kế hoạch giúp đơn vị có cái nhìn tổng thể về mối liên hệ giữa hoạt động nghiên cứu, sản xuất kinh doanh và hoạt động quản lý tài sản trí tuệ của đơn vị. Theo đó, Trung tâm xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển tài sản trí tuệ và quản lý tài sản trí tuệ; dự báo và phân bổ tài chính hàng năm cho hoạt động Sở hữu trí tuệ.

Tạo lập tài sản trí tuệ: Trong quá trình nghiên cứu, Trung tâm đặc hiệt chú ý đến tính mới, sáng tạo của nghiên cứu nhằm tạo thuận lợi khi đăng ký bảo hộ kết quả nghiên cứu. Có như vậy, việc đăng ký Sở hữu trí tuệ mới được thực hiện hiệu quả, tránh sự trùng lặp về nghiên cứu và tiết kiệm thời gian, chi phí nghiên cứu.

Tiến hành đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ: Sau khi hoàn tất thời gian nghiên cứu hay sản xuất kinh doanh, Trung tâm sẽ tiến hành hoàn tất thủ tục hồ sơ để đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ mà Trung tâm đã tạo ra.

Thương mại hóa tài sản trí tuệ: Dựa trên quyền Sở hữu trí tuệ, tiến hành thương mại hóa dưới hình thức các hợp đồng chuyển giao công nghệ, mua bán sản phẩm…

Đánh giá tính hiệu quả của việc quản lý và khai thác tài sản trí tuệ: Hoạt động này giúp Trung tâm nhìn nhận được tính hiệu quả của hoạt động Sở hữu trí tuệ để từ đó Trung tâm có cơ sở hoàn thiện cơ chế quản lý các tài sản trí tuệ của đơn vị trong thời gian tiếp theo.

* Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trên lĩnh vực KH&CN, dù đã có nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của hoạt động Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên công tác Sở hữu trí tuệ của Trung tâm còn có nhiều hạn chế:

- Việc đăng ký sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm, quy trình hoặc bản quyền về công nghệ vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị phục vụ công tác chuyển giao công nghệ.

- Chưa có quy chế quản lý tài sản trí tuệ trong nội bộ để tránh xảy ra những phát sinh tranh chấp giữa các bên liên quan.

Việc chậm trễ trong công tác thực hiện bảo vệ và khai thác sản phẩm trí tuệ tại Trung tâm xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Với cơ chế hoạt động cũ (nhà nước đảm bảo chi thường xuyên cho đơn vị) đã khiến Trung tâm chưa mạnh dạn thay đổi phương thức làm việc, tầm nhìn phát triển, chưa kịp thời quan tâm đến hoạt động tạo lập, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ; chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương còn chậm, thiếu các giải pháp đồng bộ; chưa có nguồn nhân lực cho việc phát triển tài sản trí tuệ...

2.2. Giải pháp để thực hiện bảo vệ và khai thác sản phẩm trí tuệ của các tổ chức khoa học và công nghệ

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ cho phép các doanh nghiệp kéo dài chu kỳ sử dụng tài sản và nguồn lực, nâng cao khả năng sử dụng. Không phải mọi ngành công nghiệp đang ở cùng điểm đột phá như nhau, nhưng tất cả đều đang bị các lực lượng thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ tư đẩy đến con dốc của sự chuyển đổi [3]. Trong một thế giới bất định, khả năng thích ứng đóng vai trò then chốt – nếu một tổ chức KH&CN không thể vượt lên đỉnh dốc thì có thể bị đẩy xuống vực. Do đó, muốn tồn tại và phát triển, các tổ chức KH&CN cần tư duy và liên tục mài giũa khả năng đổi mới sáng tạo, đồng thời phải đầu tư nhiều cho hệ thống sở hữu các sản phẩm hữu hình [4]. Để làm tốt và hiệu quả điều này, từ kinh nghiệm phát triển thực tiễn của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, các tổ chức KH&CN cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần quan tâm thực hiện song hành hoạt động nghiên cứu khoa học và hoạt động đăng ký bảo hộ kết quả nghiên cứu khoa học.

Hai là, cần trang bị những kiến thức, thông tin để chủ động nắm bắt các cơ hội trong việc tận dụng các chính sách của nhà nước, của địa phương phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm gắn với việc bảo vệ tài sản trí tuệ, xây dựng thương hiệu và nâng cao ý thức bảo hộ trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh một cách chủ động, sáng tạo.

Ba là, rà soát, bố trí, sắp xếp nguồn nhân lực và không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ Sở hữu trí tuệ, bảo hộ và phát triển giá trị Sở hữu trí tuệ cho đơn vị.

Bốn là, ưu tiên sự phát triển bền vững gắn với tài sản trí tuệ. Định hướng và chủ động trong việc khai thác các phương thức khác nhau của quyền Sở hữu trí tuệ trong phát triển doanh nghiệp để đảm bảo sự phát triển nhanh đồng thời bền vững, dài lâu.

2.3. Kiến nghị

Để Sở hữu trí tuệ thực sự là một công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của công nghệ đối với các chủ thể, thúc đẩy mọi tổ chức, doanh nghiệp tham gia thực hiện đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình, các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực KH&CN cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Sở hữu trí tuệ và pháp luật liên quan, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, bảo đảm nguyên tắc cân bằng lợi ích giữa các chủ thể trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.

Hai là, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật theo hướng trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ Ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN với những điều kiện nhất định, đồng thời quy định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan.

Ba là, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến giao dịch tài sản trí tuệ: góp vốn, giao dịch bảo đảm, định giá, kế toán, kiểm toán tài sản trí tuệ; ban hành cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng và các ưu đãi khác để thúc đẩy khai thác tài sản trí tuệ, đặc biệt là tài sản trí tuệ được tạo ra từ hoạt động nghiên cứu KH&CN có sử dụng Ngân sách nhà nước.

Bốn là, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sử dụng công cụ Sở hữu trí tuệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức doanh nghiệp Việt Nam bảo hộ và khai thác quyền Sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Năm là, xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực về Sở hữu trí tuệ, trong đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao; xây dựng một số cơ sở đào tạo chuyên sâu về Sở hữu trí tuệ với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, trong đó chú trọng đào tạo chuyên gia quản trị tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp.

Sáu là, tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về Sở hữu trí tuệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ, hình thành văn hóa Sở hữu trí tuệ trong xã hội.

Bảy là, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về Sở hữu trí tuệ, khai thác tối đa sự hỗ trợ về mọi mặt của các cơ quan Sở hữu trí tuệ nước ngoài và các tổ chức quốc tế nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực của hệ thống Sở hữu trí tuệ quốc gia, bắt kịp với các xu hướng tiến bộ và trình độ quốc tế.

3. Kết luận

Quyền Sở hữu trí tuệ là nguồn tạo giá trị trong sản xuất, có vai trò quan trọng hàng đầu. Trong thời đại KH&CN phát triển như vũ bão hiện nay, tài sản trí tuệ đã và đang trở thành một tài sản hiện hữu có vai trò rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của một tổ chức KH&CN và Sở hữu trí tuệ đã trở thành một trong những công cụ được sử dụng để nâng cao sức cạnh tranh của tổ chức KH&CN và cả nền kinh tế. Với quá trình phát triển, sự thay đổi cơ chế hoạt động và cả cái nhìn về hoạt động Sở hữu trí tuệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN hy vọng sẽ giúp các tổ chức KH&CN khác quan tâm hơn về hoạt động Sở hữu trí tuệ, có chính sách quản lý các tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nghiên cứu từ đó cải thiện doanh thu từ hoạt động chuyển giao tài sản trí tuệ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013.

[2]. Kamil Idris, Sở hữu trí tuệ - Một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế, NXB Bản đồ, Hà Nội, (2004).

[3]. Klaus Schwab, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, (2018).

[4]. Trần Việt Hùng, Những điều chưa biết về Sở hữu trí tuệ: Tài liệu hướng dẫn dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ, Cục Sở hữu trí tuệ, Hà Nội(2009).

[5]. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai, Báo cáo số 02/BC-TTUD về việc tổng hợp tình hình triển khai cơ chế tự chủ tài chính của tổ chức khoa học và công nghệ công lập theo Nghị định 54/2016/NĐ-CP, ngày 20/01/2020.

[6]. Đinh Hữu Phí (2018), Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, góp phần phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam hiện nay, Website:  http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/815702/view_content

Tin mới nhất

Tin tức